Chất béo lành mạnh

Omega-3 là chất béo tốt góp phần chống viêm, giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện bệnh hen suyễn, đem đến nhiều lợi ích cho phổi. Loại axit béo này cũng tăng cường hoạt động của tim mạch, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường trí nhớ... Các loại thức ăn bổ phổi giàu omega-3 trong thực đơn nên ưu tiên như cá hồi, cá thu, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt lanh...), dầu ô liu, hàu. Lượng omega-3 được khuyến nghị cho người từ 19 tuổi trở lên là 1,6 g với nam và 1,1 g với nữ.

Chất đạm

Protein giúp cơ hô hấp khỏe mạnh, cung cấp đầy đủ chất đạm cho cơ thể và cần thiết cho quá trình điều trị các bệnh viêm đường hô hấp. Dưỡng chất này cũng có ích cho các mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch. Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm hải sản, gia cầm, trứng, cây họ đậu, các loại hạt, đậu nành... Người chán ăn có thể uống thêm sữa để đảm bảo cơ thể đủ đạm.

Thực phẩm carb nguyên chất

Carbohydrate (carb) gồm tinh bột, đường và chất xơ, là nhiên liệu phục vụ các quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng, chức năng tiêu hóa, hô hấp cùng nhiều hoạt động quan trọng khác. Cơ thể thiếu carbohydrate thời gian dài có thể dẫn đến triệu chứng như mệt mỏi, thiếu năng lượng, thèm ăn, khó tiêu. Nên chọn carb nguyên chất, chưa qua chế biến thay cho carb tinh chế và đường đơn. Carb nguyên chất rất giàu chất xơ, góp phần làm giảm lượng đường trong máu. Thực phẩm giàu carbohydrate lành mạnh như khoai tây, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa.

Thực phẩm tươi sống

Rau quả chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E... tốt cho sức khỏe của phổi. Vitamin C nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn như viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp khác. Bổ sung vitamin D giảm khả năng nhiễm trùng phổi, cải thiện triệu chứng hen suyễn. Vitamin A góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng phổi Táo, bưởi, cam, củ dền... là những loại rau củ quả tăng cường chức năng phổi. Táo rất giàu chất dinh dưỡng thực vật là quercetin, giảm nguy cơ hen suyễn, biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Quercetin trong táo còn hoạt động như chất chống viêm. Ăn củ dền có thể thư giãn các mạch máu, tăng lưu lượng oxy và giảm huyết áp (nhất là ở người bị tăng huyết áp phổi). Củ dền còn chứa chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm.

Thực phẩm giàu kali

Kali có vai trò quan trọng đối với chức năng phổi. Thiếu hụt kali có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, dưỡng chất này còn duy trì sự cân bằng chất lỏng và giữ cho bộ não, dây thần kinh, tim và cơ hoạt động bình thường. Nguồn thực phẩm giàu kali là chuối, bơ, sữa, các loại đậu và cá hồi.

(Theo Vnexpress)