Xét nghiệm chức năng thận là phương pháp dùng để kiểm tra khả năng hoạt động của thận. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp chẩn đoán hoặc loại trừ hiện tượng nhiễm trùng trong cơ thể. Đa số các xét nghiệm đều hướng đến hai mục chính là đo mức độ lọc cầu thận GFR và tỷ lệ Albumin/Creatinine trong nước tiểu (UACR).
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, những người có các dấu hiệu cảnh báo dưới đây nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận:
- Bất thường khi đi tiểu, bao gồm: tiểu đau, tiểu khó; đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
- Nước tiểu có lẫn máu hoặc có bọt...
- Bất thường ở da như phù nề tay chân do hiện tượng rò rỉ mao mạch hoặc da nhạy cảm hơn, dễ nổi mẩn ngứa hoặc mọc nhiều mụn...
- Hơi thở có mùi khó chịu và gần giống mùi amoniac.
- Tình trạng hoa mắt, choáng váng liên tục xảy ra, dẫn đến mất tập trung. Hiện tượng này xảy ra do chức năng thận suy giảm và không thể sản sinh đủ lượng hormone erythropoietin cần thiết.
- Có dấu hiệu cảnh báo bất thường về nồng độ kali hoặc các khoáng chất khác trong máu.
- Người mắc bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch hoặc đang dùng các loại thuốc có thể tác động đến thận cũng cần được xét nghiệm để kiểm tra mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thận.
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một hoặc kết hợp nhiều phương pháp xét nghiệm chức năng thận như:
Xét nghiệm sinh hóa máu bao gồm creatinine huyết thanh, mức lọc cầu thận GFR, chỉ số nitơ urê máu (BUN). Theo đó, thận có thể đang hoạt động không bình thường nếu nồng độ creatinine trong máu lớn hơn 1.2 ở phụ nữ và 1.4 ở nam giới; hoặc mức lọc cầu thận GFR dưới 60. Mức BUN bình thường dao động trong khoảng từ 7 – 20, khi chức năng thận giảm, chỉ số này sẽ tăng lên.
Xét nghiệm nước tiểu bao gồm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, protein niệu, microalbumin niệu, xét nghiệm albumin nước tiểu, xét nghiệm độ thanh thải creatinine... Mỗi một xét nghiệm sẽ có những chức năng riêng biệt như xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cho thấy bất thường liên quan đến dư thừa protein, máu, mủ, đường, vi khuẩn... Ngoài ra, thông qua xét nghiệm này, bác sĩ còn có thể phát hiện được một số rối loạn liên quan đến thận và đường tiết niệu. Xét nghiệm protein niệu kiểm tra tình trạng protein trong nước tiểu, xét nghiệm độ thanh thải creatinine giúp xác định lượng chất thải lọc được mỗi phút... Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bằng cách chụp CT hoặc siêu âm để thu thập hình ảnh về thận và các bất thường liên quan đến kích thước, vị trí, khối u, sỏi... Sinh thiết thận được tiến hành nhằm mục đích xác định tình trạng bệnh cụ thể, đánh giá mức độ tổn thương xảy ra trong thận, xác định nguyên nhân vì sao ghép thận không thành công.
Theo khuyến cáo, các vấn đề về thận có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tiến hành xét nghiệm chức năng thận ngay khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo thận đang hoạt động bất thường.
(Theo VnExpress)