Chiều 11-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm về nguồn lây, mức độ gây bệnh, tình hình thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ đang lưu hành tại thành phố.
Enterovirus từng gây dịch đau mắt đỏ tại nhiều nước
Dẫn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, Sở Y tế TP.HCM cho biết bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân vi rút gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…).
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là không chính xác.
Về mức độ ảnh hưởng của enterovirus, Sở Y tế cho hay tác nhân này gây ra viêm kết mạc mắt và vẫn có thể có bệnh cảnh nặng, nhưng thông thường là bệnh cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính. Enterovirus được ghi nhận đã gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi, châu Á và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1969 - 1971. Năm 2014, nhóm vi rút này cũng gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.
Bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid - Ảnh: X.MAI
Khó mua thuốc Tobrex, thị trường còn nhiều loại thuốc khác
Về thuốc nhỏ mắt sử dụng điều trị bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế khuyến cáo người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (mắt đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, trong đó có Tobrex. Loại thuốc này, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 11-9, do nhu cầu của người dân cao nên nhiều tiệm thuốc không còn, khiến nhiều người phải chạy tìm 4-5 nhà thuốc mới có. Sở Y tế TP.HCM cho biết ngoài Tobrex, có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh có thể dùng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin… Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Theo khảo sát nhanh của phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ)…
Bác sĩ chuyên khoa mắt cũng khuyến cáo người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, vì không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có thể lây những đường nào?
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước. Ông giải thích thêm: "entero" có nghĩa là ruột nên các vi rút này có thể sinh sản ở đường tiêu hóa và lây lan qua nước uống bị nhiễm bẩn. "Đường lây do tiếp xúc trực tiếp là đường lây quan trọng nhất. Tuy nhiên các tài liệu không cho rằng tiếp xúc trực tiếp là đường lây duy nhất cho viêm kết mạc do vi rút (AHC). Một số nghiên cứu ở Hàn Quốc và Trung Quốc gợi ý nước và nước uống vẫn có thể là đường lây cho AHC", ông Dũng nói.
Phòng ngừa đau mắt đỏ ra sao?
Theo Sở Y tế TP.HCM, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút là:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Lưu ý chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định, thường 5-7 ngày.
(Theo Tuổi Trẻ)