Công ty Phương Đông từ chối đề nghị mua lại máy PCR-Real time của Myanmar để dự phòng cho công tác chống dịch

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã không thể ứng biến kịp, khiến hệ thống y tế bị quá tải và thiếu nguyên vật liệu trầm trọng. Việc cung ứng trang thiết bị vốn không hề khan hiếm như khẩu trang y tế, bất đắc dĩ, cũng trở thành việc mà các quốc gia sở hữu hệ thống y tế tiên tiến phải đau đầu.

Chính vì thế, việc sở hữu các trang thiết bị để nâng cao năng lực xét nghiệm là công việc cấp bách và ưu tiên của hầu hết các nước hiện tại.

Hiện nay, thực trạng thiếu máy móc và hoá chất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do nhu cầu xét nghiệm virus Sar-Cov-2 tăng đột biến. Trong khi đó khả năng đáp ứng, nguồn cung lại bị hạn chế vì những lý do bất khả kháng:

  • Hầu hết các nhà máy sản xuất gặp tình trạng khó khăn do bị cách ly, không đủ nhân lực hoặc không đủ an toàn để triển khai sản xuất. Riêng tại Malaysia, nhà máy sản xuất gần như bị phong tỏa, nên đối với các máy xét nghiệm cho kết quả nhanh như máy Real-time PCR, hãng sản xuất khó có khả năng cung cấp.
  • Đối với các máy tách chiết, các đơn hàng trên thế giới đều yêu cầu với số lượng lớn, ví dụ như Hàn Quốc đặt mua 20 máy /lần.
    Trong khi đó tại Việt Nam, Phương Đông đã đặt mua 5 máy dự phòng từ hãng Qiagen cho công tác chống dịch nhưng hiện tại cũng chỉ được cung cấp 2 máy, để cung cấp số lượng lớn hơn, Qiagen cần 9-12 tháng.
  • Ngoài ra do nhu cầu tăng cao, giá máy mua của hãng sản xuất cũng bị tăng đáng kể, việc cạnh tranh giữa những đơn vị mua khiến việc sở hữu máy xét nghiệm gặp khá nhiều khó khăn, đồng thời nhiều chi phí bị đội lên do phải vận chuyển gấp bằng máy bay.


Bất chấp những khó khăn này, công ty Phương Đông vẫn nỗ lực hết sức đàm phán và thương lượng, chấp nhận rủi ro với mục tiêu nhập khẩu được nhiều trang thiết bị nhất có thể để dự phòng cho công tác chống dịch.

Phương Đông đã nhận được yêu cầu mua thiết bị từ Myanmar, thậm chí mua lại từ nhà sản xuất nếu còn tồn kho.

Lời đề nghị từ phía Myanmar được phát đi trong tình hình khan hiếm và cấp bách. Bên phía Myanmar thể hiện rõ mong muốn được mua thiết bị từ phía Phương Đông để có thể phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, nhận được thông tin chỉ đạo từ các ban ngành cho thấy nước ta vẫn đang trong tình trạng có nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn, nguồn cung trong nước cũng bị hạn chế phần nào do khan hiếm, Phuơng Đông kiên quyết dự trù và đặt mua thêm thiết bị nếu có thể.