Định lượng creatinine hiện nay có 3 phương pháp chính: đó là phương pháp Jaffe, phương pháp enzyme, và phương pháp khối phổ pha loãng đồng vị. Trong bài viết này, chỉ đề cập tới phương pháp Jaffe.

xét nghiệm creatinine

Phương pháp Jaffe, được đặt theo tên của Jaffe mô tả vào năm 1886. Đây là phản ứng của creatinine với acid picric tạo ra phức hợp màu vàng đỏ.

Với phương pháp Jaffe cổ điển, phức hợp màu được đo bằng phép đo điểm cuối (end point) với bước sóng 485 nm. Một số chất trong huyết thanh có phản ứng tương tự như creatinine với acid picric, làm tăng giả tạo creatinine trong huyết thanh, các chất này được gọi là "non-creatinine" bao gồm: glucose, protein, fructose, acid ascorbic, acetoacetic acid, acetone, pyruvate.

Do đó, để thu được "giá trị thực" của creatinine trong mẫu bệnh phẩm thì cần trừ đi 0.2 - 0.4 mg/dL (~17.68 - 35.36 umol/L), khi định lượng bằng phương pháp Jaffe.

Hiện nay, đã có "phương pháp Jaffe cải tiến" từ phương pháp Jaffe cổ điện, gọi là Jaffe kinetic. Phản ứng của creatinine với acid picric được thực hiện trong môi trường kiềm mạnh như NaOH hoặc KOH, tạo ra phức hợp màu vàng đỏ. Đậm độ màu của phức hợp tỷ lệ thuận với nồng độ creatinine được đo ở 2 bước sóng 510/600 nm.

Với phương pháp Jaffe kinetic, kết quả xét nghiệm sẽ không bị ảnh hưởng bởi các chất non-creatinine đã kể trên, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nhỏ bởi acid của thể ketone (acetoacetic acid, acetone) và cephalosporin.

Để khắc phục sự nhiễu này, ở bước sóng thứ 2 (600 nm) phải đọc sau bước sóng thứ nhất (510 nm) là 2 phút. Ví dụ, sau khi trộn mẫu và hóa chất, đo lần 1 ở bước sóng 510 nm lúc 20 giây, thì ở lần đo thứ 2 sẽ đo lúc 140 giây (cách bước sóng trước 2 phút).

Ngoài ra, nếu mẫu có bilirubin và hemoglobin cao có thể làm giảm giả tạo creatinine. Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng phương pháp Jaffe vẫn được sử dụng phổ biến để đo creatinine vì giá thành rẻ, nhanh, dễ thực hiện.

Với phương pháp enzyme để đo creatinine thì hoàn toàn có thể khắc phục những nhược điểm trên.

Phương pháp khối phổ pha loãng đồng vị thì có độ đặc hiệu cao nhất, được coi là phương pháp tham chiếu chuẩn.

 

 

Tác giả: Lê Văn Công – Chuyên viên quản lý sản phẩm Phương Đông

Tài liệu tham khảo: Phân tích xét nghiệm hóa sinh lâm sàng – Từ lý thuyết tới thực tế lâm sàng, tập 1 – Lê Văn Công